-
- Tổng tiền thanh toán:
MÔ TẢ SẢN PHẨM:
Trong những năm qua, vốn vay nước ngoài đã mang lại sự thành công cho rất nhiều quốc gia, trong đó có những quốc gia từng là con nợ lớn, song nhờ sử dụng vốn vay nước ngoài một cách hiệu quả, đã thoát khỏi sự đói nghèo và trở thành những chủ nợ mới của thế giới. Tuy nhiên, cũng không thể không kể đến những nước đã lâm vào vòng xoáy nợ nần do không kiểm soát tốt nợ nước ngoài, thậm chí phải đối mặt với khủng hoảng nợ. Trên thế giới cũng đã xảy ra rất nhiều cuộc khủng hoảng, có thể kể đến như: khủng hoảng nợ công tại Mỹ Latinh năm 1980, khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, khủng hoảng tài chính tiền tệ toàn cầu năm 2008, khủng hoảng nợ công châu Âu năm 2009... mà suy cho cùng, nguyên nhân chính của những cuộc khủng hoảng này đều bắt nguồn từ việc vay nợ nước ngoài vượt quá tầm kiểm soát của quốc gia. Các cuộc khủng hoảng này đã tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế của nhiều quốc gia, đồng thời đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đòi hỏi sự cần thiết của việc quản lý nợ nước ngoài. Do vậy, việc quản lý nợ nước ngoài một cách bền vững giờ đây trở thành vấn đề cần thiết hơn bao giờ hết.
Cũng như mọi quốc gia khác trên thế giới, bên cạnh nguồn vốn trong nước, trong nhiều năm qua, Việt Nam cũng dựa vào nguồn vốn vay nước ngoài để đáp ứng phần nào cho sự thiếu hụt vốn. Trước bối cảnh quốc tế mới cùng với những thay đổi trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt là việc sử dụng vốn vay nước ngoài chưa thực sự hiệu quả, nên việc quản lý nợ nước ngoài của Việt Nam ngày càng cấp thiết hơn. Kể từ sau năm 2010 khi Việt Nam bước vào nhóm nước thu nhập trung bình thấp, Việt Nam phải tiếp cận các dòng vốn ngoại khác với điều kiện kém ưu đãi hơn. Trước mục tiêu hướng tới trở thành nước có thu nhập trung bình cao sau năm 2030, Việt Nam cần có tầm nhìn dài hạn trong mối cân đối tổng thể giữa vốn vay nước ngoài với các nguồn vốn ngoại khác, giữa vốn vay nước ngoài với vốn trong nước, giữa vay vốn nước ngoài với khả năng trả nợ và việc sử dụng vốn vay nước ngoài sao cho có hiệu quả.
Điều này đặt ra những vấn đề cần nghiên cứu sâu hơn đổi với hoạt động quản lý nợ nước ngoài, để từ đó đưa ra những định hướng, mục tiêu quản lý, sử dụng nợ nước ngoài an toàn, bền vững, sao cho vừa huy động được nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vừa đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.
Với tầm quan trọng của công tác quản lý nợ nước ngoài đối với
Việt Nam, Giáo trình Quản lý nợ nước ngoài được biên soạn nhằm từng bước chuẩn hóa kiến thức về quản lý nợ nước ngoài, hệ thống hóa cơ sở lý luận về nợ nước ngoài và quản lý nợ nước ngoài, nghiên cứu kinh nghiệm quản lý nợ nước ngoài trên thế giới, phân tích và đánh giá thực trạng quản lý nợ nước ngoài ở Việt Nam. Cuốn giáo trình này dành cho bậc cử nhân đại học thuộc khối ngành kinh tế và là tài liệu tham khảo hữu ích cho các giảng viên và sinh viên chuyên ngành Kinh tế quốc tế.
Mặc dù diễn biến nợ trên thế giới đang diễn ra rất phức tạp về phạm vi, quy mô, cơ cấu nợ; đối tượng con nợ không chỉ là các nước đang và kém phát triển, mà còn diễn ra tại các nước phát triển, các nước lớn như
Mỹ, Nhật Bản, EU..., nhưng đối tượng nghiên cứu chủ yếu của cuốn giáo trình này là các nước đang phát triển với tư cách là các nước con nợ, trong đó có Việt Nam. Giáo trình được biên soạn thành 5 chương.
Các tác giả tham gia biên soạn giáo trình bao gồm:
PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Chi: Chương 1, 4;
TS. Nguyễn Tiến Minh: Chương 2, 5;
TS. Nguyễn Thị Thu Hà: Chương 1, 2;
TS. Phạm Thu Phương: Chương 3, 4;
NCS. Nguyễn Anh Dũng: Chương 3, 5.
Mặc dù tập thể tác giả đã có nhiều cố gắng, nhưng trong quá trình biên soạn, giáo trình sẽ không tránh khỏi những thiếu sót nhất định.
Tập thể tác giả rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu, đồng nghiệp và người học để cuốn sách được hoàn thiện hơn trong lần tái bản sau.