Trang chủ Liên hệ

Giới Hạn Quyền Sở Hữu Theo Pháp Luật Dân Sự Việt Nam (Sách Chuyên Khảo) - TS. Dương Quỳnh Hoa

155.000₫ Giá thị trường: 172.000₫ Tiết kiệm: 17.000₫
Mua ngay

 

 

MÔ TẢ SẢN PHẨM :

Quyền sở hữu là quyền mà chủ sở hữu có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt theo quy định của luật. Chủ nghĩa tự do truyền thống về quyền sở hữu cho rằng, quyền sở hữu là quyền hoàn chỉnh nhất do người có quyền thực hiện, là quyền tuyệt đối, độc quyền và bền vững, địa vị của quyền sở hữu là tối cao, nội hàm của quyền sở hữu là bao quát và vô hạn. Tuy nhiên, trước sự phát triển của nền kinh tế - xã hội hiện đại, tính tuyệt đối của quyền sở hữu đã bị thách thức gay gắt bởi thời đại mới. Việc chuyển chế độ sở hữu từ tuyệt đối sang tương đối là yêu cầu tất yếu của sự phát triển xã hội, đồng thời cũng là xu thế tất yếu của quá trình phát triển chế độ sở hữu trong tương lai. Giới hạn quyền sở hữu là việc giới hạn các yếu tố của quyền sở hữu và việc thực hiện chúng dựa trên quy định của pháp luật hoặc ý chí tự nguyện của chủ sở hữu; vì vậy quyền sở hữu có thể được thay đổi từ tuyệt đối, không bị gián đoạn, không bị hạn chế, hoàn toàn do cá nhân chủ sở hữu kiểm soát chuyển thành quyền tương đối có tính đến lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội, nhấn mạnh tính sử dụng xã hội, bị giới hạn bởi lợi ích của người khác và lợi ích công cộng xã hội và bị can thiệp bởi pháp luật quốc gia. Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Dân sự năm 2015 của Việt Nam thực hiện tư tưởng chỉ đạo là phối hợp lợi ích cá nhân với lợi ích xã hội trên cơ sở tôn trọng chuẩn mực quyền và tuân thủ nguyên tắc bảo vệ quyền sở hữu bình đẳng; theo đó, tại khoản 2 Điều 2 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định: “Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Vì vậy, trong điều kiện giới hạn quyền sở hữu, cần phải thực hiện tư tưởng bình đẳng giữa lợi ích quốc gia, lợi ích tập thể và lợi ích tư nhân, đồng thời tuân thủ các nguyên tắc chỉ đạo của khoa học. Chỉ có như vậy thì mới không chỉ bảo vệ được đầy đủ các quyền của các chủ thể sở hữu khác nhau mà còn đồng thời cũng giới hạn nghiêm ngặt ảnh hưởng của quyền lực công đối với quyền sở hữu.

 

Trên thực tế, các quy định của pháp luật về sở hữu và giới hạn quyền sở hữu ở Việt Nam về cơ bản đã đạt được những kết quả nhất định, làm cơ sở cho việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn có những hạn chế nhất định trong hệ thống pháp luật cũng như thực thi giới hạn quyền sở hữu. Các câu hỏi lớn được đặt ra chưa có lời giải đáp một cách thấu đáo như: Nguyên tắc, mục đích, nội dung, phương thức giới hạn quyền sở hữu là gì? Ai có thẩm quyền áp dụng giới hạn quyền sở hữu? Cơ quan nào sẽ kiểm soát việc giới hạn quyền nếu như việc giới hạn quyền không tương xứng với điều mà việc bảo vệ quyền đòi hỏi...?

 

Thực tế này đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về giới hạn quyền sở hữu, bảo đảm thực thi có hiệu quả, công bằng, hợp lý, tương xứng trong thực tiễn giới hạn quyền sở hữu. Đặc biệt, trong bối cảnh cải cách tư pháp, yêu cầu đặt ra là các luật chuyên ngành cần phải được sửa đổi, bổ sung cho thống nhất, phù hợp với Hiến pháp 2013 thì việc nghiên cứu các khía cạnh pháp lý của giới hạn quyền sở hữu để tìm ra những luận cứ khoa học, những định hướng và giải pháp cho việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật đảm bảo và bảo vệ quyền sở hữu ở Việt Nam là đòi hỏi bức thiết cả về lý luận và thực tiễn.

 

Cuốn sách “Giới hạn quyền sở hữu theo pháp luật dân sự Việt Nam” được xuất bản nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và áp dụng pháp luật, cung cấp cho bạn đọc những thông tin kiến thức một cách có hệ thống trong lĩnh vực giới hạn quyền sở hữu. Trong cuốn sách này, các tác giả đã phân tích, luận giải một số vấn đề lý luận và thực tiễn về giới hạn quyền sở hữu, giới thiệu pháp luật về giới hạn quyền sở hữu của một số nước trên thế giới; đồng thời chỉ ra phương hướng và đưa ra một số giải pháp, đề xuất hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về giới hạn quyền sở hữu ở Việt Nam trong thời gian tới.

 

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong quá trình thực hiện công trình này nhưng cuốn sách chắc vẫn khó tránh khỏi thiếu sót. Vì vậy, các tác giả mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của quý độc giả để cuốn sách có thể hoàn thiện hơn trong những lần xuất bản sau.